Thủ đoạn trộm xe máy trong 10 giây

Càng gần đến những ngày cuối năm, tình trạng trộm cắp xe máy càng diễn ra một cách công khai và táo bạo. Lợi dụng sự mất cảnh giác của chủ phương tiện, chỉ cần chưa đến 10 giây là chiếc xe máy đã có thể biến mất. tự phòng ngừa để bảo vệ tài sản của mình.

Trưa 19-11, Đội CSHS, CAQ Tây Hồ phát hiện một nam thanh niên dắt bộ chiếc xe máy Honda - Dream có biểu hiện nghi vấn tại khu vực phường Quảng An. Được yêu cầu kiểm tra hành chính, đối tượng đã bỏ chạy nhưng lập tức bị lực lượng công an bắt giữ. Biết không thể chối tội, đối tượng đã tự móc trong người ra giao nộp cho tổ công tác 1 bộ vam phá khóa và khai nhận vừa trộm cắp chiếc xe máy tại số nhà 317 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân. Khám xét khẩn cấp nơi ở của đối tượng này, cơ quan điều tra thu giữ 1 bộ vam phá khóa và 2 chiếc xe máy là tang vật các vụ trộm khác. Mở rộng vụ án, CAQ Tây Hồ xác định đối tượng này nằm trong một nhóm chuyên trộm cắp, tiêu thụ xe máy và đã thu hồi 10 xe máy tang vật các vụ trộm, trong đó có 1 xe máy chính chủ vừa mua, chưa kịp làm biển kiểm soát (BKS) đã bị các đối tượng lấy trộm.

Theo Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội, các đối tượng trộm cắp xe máy hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và có tổ chức, chúng thường cấu kết với nhau, tạo ra những đường dây khép kín từ khâu trộm cắp đến tiêu thụ sản phẩm. Vào cuối tháng 10, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng cảnh sát Hình sự đã bắt giữ 15 nghi phạm trong đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy, thu hồi được 23 xe là tang vật của vụ án. Nhóm đối tượng này đã gây ra hàng chục vụ trộm cắp xe máy tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận với số lượng gần 100 xe. 

Sau khi vào cuộc, cơ quan công an đã xác định và bắt giữ Nguyễn Đức Thọ (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và Hà Văn Phúc (22 tuổi, quê Thanh Hóa) là nghi phạm tham gia ra các vụ trộm xe máy. Nguyễn Đức Thọ chuẩn bị công cụ (vam phá khóa, kìm cộng lực..) chọn địa điểm là các cơ quan, trường học mất cảnh giác, lơ là trong công tác bảo vệ để đột nhập vào trộm cắp xe máy. Hà Văn Phúc là đối tượng đứng bên ngoài cảnh giới còn Thọ trèo tường hoặc dùng công cụ cắt phá khóa cổng đột nhập vào bên trong bãi gửi xe, dùng vam phá ổ khóa điện của xe và dắt xe máy ra ngoài. Sau khi trộm được xe ra ngoài, mỗi đối tượng đi một xe đến gửi tại các bãi trông xe qua đêm và tiếp tục đi taxi quay lại lấy các xe khác mang đi gửi. Điều tra mở rộng vụ án, cơ quan công an đã bắt thêm 13 nghi phạm trộm cắp và tiêu thụ xe máy trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Xe gian bị các đối tượng mang về nhà tại Bắc Giang phá dỡ lấy phụ tùng, tẩy xóa số khung, số máy của xe rồi gọi cho một đối tượng không quen biết đến để bán bộ máy của xe, còn khung xe bị cắt và bán sắt vụn.

Thủ đoạn tinh vi

Với đặc điểm là phương tiện di chuyển có giá trị cao, dễ chiếm đoạt nên xe máy luôn là thứ mồi hấp dẫn bọn “đạo chích”. Theo con số thống kê gần đây của Công an TP Hà Nội, cứ 10 vụ mất trộm tài sản thì có từ 3-4 vụ có liên quan đến môtô, xe máy. Trong đó, tỉ lệ xe tay ga bị mất cắp chiếm trên 60%. Khá nhiều người dùng chủ quan cho rằng xe máy đắt tiền, cao cấp đã có khóa “xịn” rất khó mất trộm. Tuy nhiên, tội phạm thường chỉ mất từ 5 đến 10 giây là có thể vô hiệu hóa các loại khóa từ, khóa cơ. 

Chuyên đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản, mỗi năm, Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ hàng loạt ổ nhóm, đối tượng liên quan đến hành vi này. Trong quá trình làm việc với các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện việc bẻ khóa trang bị sẵn trên xe, lấy cắp xe máy đều được tội phạm dễ dàng thực hiện bất kể dòng xe cao cấp nào. Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu cũng cho biết thêm, xe máy ngày càng bị mất cắp thường xuyên một phần cũng do ý thức phòng ngừa của người có tài sản. Đa phần nguyên nhân của các vụ mất trộm là xe máy dựng ở vỉa hè, khuất tầm nhìn, không có người trông giữ và không khóa càng, không trang bị cho xe các thiết bị chống trộm an toàn như khóa chống trộm hay lắp định vị xe máy GPS… 

Theo chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp xe máy thường có 2 đối tượng sử dụng xe máy đi khắp các tuyến phố, các khu dân cư để tăm tia xe máy để ở vỉa hè, lòng đường, trước cửa nhà, cửa hàng... nhưng không khóa càng, khóa cổ, khóa đĩa phanh hoặc sử dụng các loại khóa không đảm bảo chất lượng. Sau đó một đối tượng dùng loại vam phá khóa để lấy trộm xe. Trong nhiều vụ, sau khi trộm cắp được xe máy các đối tượng gửi xe vào các bãi gửi xe tại bệnh viện, chung cư, bến xe... sau đó tìm người mua để tiêu thụ. Hiện nay, tình trạng tội phạm trộm cắp vẫn chủ yếu xảy ra nhiều ở các địa bàn các quận nội thành. Thời gian hoạt động chủ yếu vào buổi trưa và chiều tối.

Theo cảnh báo của Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu, một chiêu thức gần đây được các đối tượng trộm cắp xe máy thường hay sử dụng là nhắm vào các bãi gửi xe. Các đối tượng dụng rất nhiều “chiêu thức” như tháo BKS chiếc xe của chúng, hoặc dùng một BKS giả mang theo, rồi dùng băng dính 2 mặt dán chồng BKS đó lên BKS thật của chiếc xe đã chọn và đàng hoàng dắt xe ra khỏi bãi bằng vé xe của chúng. 

Một thủ đoạn nữa là các đối tượng “tăm” trong bãi xe những chiếc còn mới (gần giống với xe của chúng), rồi dắt xe của mình vào để bên cạnh chiếc xe đó. Gửi được một lúc, chúng quay lại bãi xe, dùng khóa vạn năng mở khóa chiếc xe đó rồi dắt ra khỏi bãi. Nếu bị phát hiện, chúng sẽ xin lỗi vì dắt nhầm xe. Nếu trót lọt, đồng bọn của chúng sẽ cầm đầy đủ giấy tờ của chiếc xe đã gửi vào lấy xe với lý do mất vé. Thậm chí các đối tượng này còn đóng vai là khách gửi xe để lấy mẫu vé của các bãi trông xe mang đi làm giả. Sau khi đã có vé giả, chúng chỉ việc chọn những chiếc xe nào không có khóa, hay khóa dễ mở… đưa vé giả rồi ung dung lấy xe ra khỏi bãi. Không ít đối tượng còn đóng giả là chủ nhận trông giữ xe. Chúng chuẩn bị sẵn những tấm vé giả rồi trà trộn vào đám đông ở trước các bãi gửi xe. Lợi dụng lúc có đông khách nhất, khách đang vội… chúng nhập vai là người giữ xe để ra đón khách phía ngoài cửa bãi xe, cũng phát vé như thật và yêu cầu chủ xe không cần phải khóa cổ. Sau khi nhận xe, hoặc là dắt vào bãi gửi để lấy vé, sau đó quay lại lấy xe như bình thường hoặc là đối tượng chờ cho chủ xe đi khuất là lấy xe đi luôn.

 

Cần báo ngay cơ quan công an

 

Xuất phát từ những đặc điểm hình sự của loại tội phạm này, chỉ huy Đội Chống tội phạm xâm phạm sở hữu khuyến cáo, chủ sở hữu phương tiện luôn phải để xe tại nơi an toàn, kín đáo, không để xe bừa bãi ở nơi công cộng, vỉa hè, lòng đường. Bên cạnh đó ngoài khóa cổ theo thiết kế sẵn trên xe nên trang bị thêm một hoặc nhiều các loại khóa chống trộm khác như: khóa càng xe, khóa xích bánh, khóa dây, khóa chân chống xe, khóa điện tử, khóa cảm ứng dành cho dòng xe tay ga, khóa vành xe phanh đĩa... Đồng thời không để đăng ký xe cũng như những giấy tờ khác trong cốp, hộc đựng đồ của xe vì nếu lấy được xe, với giấy đăng ký đó, chúng sẽ dễ dàng tẩu tán tang vật. Cần lắp các thiết bị như chuông báo động, thiết bị định vị GPS… để tăng cường an toàn cho chiếc xe. Việc dùng công tắc bí mật cho hệ thống đánh lửa cũng hết sức hiệu quả. Khi tắt công tắc, xe không thể đề nổ. Vì thế, dù có lấy được xe, nhưng tên trộm sẽ không thể tẩu thoát với một chiếc xe tắt máy. Hiện nay, các hiệu sửa xe đều cung cấp thiết bị này và bố trí chỗ cất giấu công tắc rất khó tìm. Ngoài ra, nên gắn thiết bị định vị GPS để hỗ trợ việc xác định vị trí xe nhanh chóng. 

 

Phòng Cảnh sát Hình sự lưu ý, trong mọi trường hợp bị mất xe, cần làm đơn trình báo ngay đến các cơ công an. Việc trình báo này có ý nghĩa rất quan trọng vì thông tin về chiếc xe bị mất cắp sẽ được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu xe tang vật. Khi đối tượng trộm cắp lưu thông bằng chiếc xe đó trên đường, hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà chiếc xe đó bị tạm giữ (như vi phạm giao thông…), cơ quan chức năng sẽ kiểm tra số khung, số máy của xe đối chiếu với cơ sở dữ liệu, nếu hiện ra là xe tang vật sẽ thu giữ và tiến hành điều tra. Nhiều người sau khi bị mất xe, do không tin tưởng vào khả năng tìm lại tài sản nên đã không trình báo với công an. Việc làm đó đã tước đi cơ hội lấy lại tài sản của họ. Ngoài ra, để triệt phá nguồn tiêu thụ xe máy trộm cắp, không nên mua xe không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác khi mua xe máy không chính chủ và những xe có giấy đăng ký, số khung, số máy có biểu hiện nghi vấn bị đục lại, tẩy xóa, sửa chữa. Khi mua bán, chuyển chủ phải làm thủ tục sang tên tại Phòng Cảnh sát Giao thông công an tỉnh theo quy định.

Ngày đăng: Monday, 21 December 2015